10
Th06
2021
Heritage Trong Draft Pool List 2021 - Người Ấy Là Ai. Phần 1: Đi thật xa để trở về - Nguyễn Tiến An

Đánh thức đam mê bóng rổ

Chưa bao giờ một cậu nhóc học cấp 2 mê video game và không thích thể thao lại nghĩ một ngày mình sẽ lặn lội qua Mỹ và trở về Việt Nam chỉ vì tình yêu với trái bóng cam.

Hành trình đến với bóng rổ của chàng trai đời đầu 9x Nguyễn Tiến An cũng thật đơn giản. Vào năm cấp 2 từ một cậu nhóc chiều cao thua kém các bạn cùng lứa, bỗng cao vụt hơn 1m8 trong năm lớp 10 đã khiến mẹ chú ý và hướng cậu chơi một môn thể thao phát huy hết tiềm năng thể chất. Tiến An đã bén duyên với trái bóng cam từ đó.

                   

Những năm tháng chập chững với bóng rổ đã giúp An ngẫm ra nhiều bài học cuộc sống và nhen nhóm niềm đam mê bóng rổ trong mình. Tình yêu đó chỉ khởi đầu đơn giản từ những bài học về tinh thần đồng đội khi cả nhóm hỗ trợ, phối hợp với nhau để cùng đạt kết quả. Là cách tương tác với huấn luyện viên, đồng đội và người hâm mộ, là tinh thần kỉ luật và luôn đặt mục đích chung của đội lên hàng đầu để giành chiến thắng…

Từ những điều giản đơn đó, tình yêu bóng rổ của An cứ thế lớn dần lên qua từng buổi tập, từng cú ném trúng đích, từng pha phối hợp ăn ý cùng đồng đội…Và bước ngoặt là chuyến du học tại Mỹ - cái nôi của bóng rổ, khởi đầu cho sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp.

Giấc mơ dang dở

Hình ảnh những cầu thủ huyền thoại tài năng Michael Jordan, Kobe Bryant, LeBron James cùng các giải bóng rổ danh tiếng NCAA, NBA, NBA All-Star hiện ra trước mắt An trên chuyến đi đến “vùng đất hứa”. Tiến An háo hức thực hiện kế hoạch của mình để tham gia từng bước đến giải chuyên nghiệp, cho lần đầu tiên được khoác chiếc áo jersey của đội yêu thích, cú high-five đập tay cùng đồng đội trong tiếng hò reo của khán giả tại sân bóng, cho pha ném rổ cuối giờ giúp đội lội ngược dòng... Nhưng tất cả chưa kịp thành hình thì đất Mỹ đã chào mừng Tiến An bằng “cú block” mang tên “hiện thực”.

Rào cản chiều cao so với những cầu thủ nước ngoài kèm theo lý lịch trắng tinh khiến An không được tham gia chính thức vào bất kỳ CLB nào nên An chỉ có thể duy trì đam mê bằng cách tự chơi và tự học.

                   

Thời gian sau, khi quen dần với nhịp độ và môi trường, An đã thử sức Try Out trong các đợt tuyển quân của trường. Lối chơi ổn định nhưng lại hơi “thấp” so với đồng đội là một điểm trừ khiến An tiếp tục hụt chân cho bước tiến đến giấc mơ.

Cuộc sống đơn độc ở Mỹ của một sinh viên tự lập phải xoay vòng giữa việc học và làm thêm đã cuốn Tiến An ngày một xa khỏi ước mơ trở thành thành viên của một đội bóng chính thức. Nhưng An chưa bao giờ từ bỏ luyện tập.

Những lần cô đơn, mệt mỏi tưởng chừng sắp từ bỏ giấc mơ nơi đất khách, An đi tìm lại lí do đã đưa mình đến tận đây – tình yêu bóng rổ. Tiến An dần nhớ về những giấc mơ xưa, nhớ về thần tượng Kobe Bryant:

“Mình thần tượng Kobe Bryant lắm bởi tinh thần chăm chỉ luyện tập hơn người khác dù là siêu sao bóng rổ. Trước trận đấu luôn đến sớm nhất tập 4 – 5 tiếng. Sau trận ở lại giãn cơ. Mỗi ngày đồng đội tập 2 tiếng, nếu mình tập thêm để tổng thời gian mình tập là 4 tiếng, sau 1 tháng mình sẽ hơn họ 60 tiếng, sau 1 năm sẽ hơn họ 720 tiếng. Khoảng cách tưởng chừng nhỏ nhưng qua thời gian sẽ trở nên cách biệt. Nên nếu muốn giỏi một lĩnh vực phải đầu tư thời gian vào đó thì mới hơn người khác được.” – An chia sẻ.

                   

Và một lần nữa tình yêu bóng rổ bừng sáng trở lại. Ngọn lửa đam mê lại rực cháy cao hơn bao giờ hết. “Biết mình không có năng khiếu nên phải tập luyện và nỗ lực nhiều hơn. Vậy nên mỗi ngày sau khi đi học và làm về dù bận mình vẫn luôn bỏ thời gian luyện tập.”- An kể.

Không được tập cùng một đội chính thức, An quyết không từ bỏ. Tiến An nâng cao thể chất và mài giũa khả năng của mình tại LA Gym – cơ sở gym có sân bóng rổ trong nhà. Nơi An đến cũng là quê hương của một vài cầu thủ NBA, nên An đã có dịp cọ xát với họ trong những mùa Off Season và cải thiện lối đánh cùng những cầu thủ hàng đầu.

                   

Đó là một chặng đường của sự nỗ lực, kiên trì và bền bỉ. An tâm sự: “Sau khi đi học và tan làm thêm, tối nào mình cũng ra Gym chơi bóng. Lúc mới qua không có xe, phải đi bus 1 tiếng. Đi chơi bóng với An như một chuyến phiêu lưu. Vì Seattle rất lạnh nên phải trang bị nhiều lớp áo trong đến áo lạnh bên ngoài. Trùm kín từ đầu đến chân, đeo balo bự đựng bóng và giày đứng chờ bus ngoài trời tuyết trắng lạnh giá. Khi đến nơi thì phải ngồi 20 phút “rã đông” để người ấm lại sau đó mới chơi được. Nhiều khi đi sớm hơn vào 7- 8h sáng để tập hoặc tối muộn đến khi hết người. Dù có tuyết có mưa nhưng mình thích tập lắm. Cứ đều đặn như vậy từ lúc là sinh viên đi bus đến khi đi làm có xe, chỗ ở gần hơn. Tính ra cũng khoảng 9 năm từ khi qua Mỹ, đến 2020 phải ngừng vì dịch.”

Chiếc cúp ước mơ mang tên VBA

Tiến An cứ bền bỉ nỗ lực như thế với mong chờ một ngày âm thanh miết giày khi chạy và đập banh trên một sân bóng chuyên nghiệp của mình sẽ đến. Và tình yêu mãnh liệt với bóng rổ cũng được hồi đáp. Trong một lần tình cờ lướt facebook, An biết về Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp VBA và Lễ tuyển chọn vận động viên hàng năm. Từ đó, không biết vì sao mỗi một pha qua người, một lần chuyền bóng, một pha ném rổ đều trở nên quyết liệt hơn… chắc có lẽ bởi vì An đã có điểm đáp cho mình. “Khi biết đến VBA, An tập luyện nhiều hơn. Luôn giữ mình trong tư thế sẵn sàng thi đấu” – An hứng khởi.

                     

Khi được hỏi tại sao đến 29 tuổi mới về Việt Nam để dự tuyển VBA, An trải lòng: “Mình biết ở Việt Nam, bóng rổ chưa phát triển mạnh như Mỹ. Cầu thủ bóng rổ chưa thực sự là một nghề nghiệp. Dù biết VBA được một thời gian nhưng mình vẫn ở lại Mỹ để xây dựng tài chính. Hiện đã tạm ổn định cuộc sống với vị trí Stock Trader. Nghề này làm online được nên có thể duy trì khi về

Việt Nam mà vẫn toàn tâm toàn ý chơi bóng rổ. Giờ An mới quay về Việt Nam để đi được dài hơi hơn với bóng rổ.”

Vì phải cách ly nên Tiến An đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện kĩ năng trước ban huấn luyện các đội trong ngày Draft Combine. Hành trình miệt mài ở Mỹ nhưng chưa có thành tích, cộng thêm lỡ dịp vì cách ly dẫn đến duyên chưa bén, Tiến An chưa thể góp mặt tại mùa giải VBA năm nay.

                   

Hành trình 10 năm “giữ lửa” của An đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Tiến An chia sẻ nguồn cảm hứng ấy bắt đầu từ người thầy Điền Quân - đội trưởng Shytex Phú Nhuận đã truyền cảm hứng về VBA khiến An nung nấu quyết tâm trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và quay lại phát triển lứa trẻ ở Việt Nam.

“VBA là một cơ hội thực sự cho những vận động viên như mình thực hiện ước mơ thi đấu giải bóng rổ chuyên nghiệp ở Việt Nam, cũng là nền tảng giúp các thế hệ mầm non bóng rổ được rèn giũa tốt hơn để sánh ngang với các nước trong khu vực và vươn xa hơn ra thế giới. An biết hiện giờ mình chưa có thành tích gì nhưng An sẽ ở lại Việt Nam tập luyện và tham gia các giải phong trào nhiều hơn, cố gắng đạt giải và chuẩn bị cho mùa giải VBA 2022. Trở thành thế hệ bệ phóng góp một phần nhỏ cùng VBA phát triển bóng rổ thành một nghề thực sự trong tương lai là ước mong hiện tại của mình. Đến một ngày những thế hệ tiếp nối chỉ cần chuyên tâm luyện tập và giành huy chương về cho Việt Nam.” – An chia sẻ.